Sâm Báo - "Đệ nhất danh sâm" nước Nam
Sâm Báo được mệnh danh là "sản vật tiến vua", nổi tiếng về sự quý hiếm cũng như công dụng đối với sức khỏe. Theo sử sách, từ thế kỷ X, cây Sâm Báo đã được Nhân dân vùng Vĩnh Ninh, thuộc Ái Châu (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) dùng như dược liệu quý hiếm, làm nước uống, thuốc chữa bệnh, thức ăn bổ dưỡng, thanh mát giải nhiệt và là sản vật dùng để cung tiến vua, chúa. Sâm xưa kia mọc hoang trên núi Báo nên được gọi là Sâm Báo. Loại Sâm này được biết đến rộng rãi vào thời nhà Hồ, cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.
Tương truyền, năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn, Hồ Quý Ly sai lính ngày đêm đào thành, đắp lũy tuy nhiên nhiều đoạn xây lên lại đổ, tiến độ vô cùng chậm chạp. Sốt ruột, Hồ Quý Ly đích thân đi khảo sát, đốc thúc việc xây thành và tình cờ, Hồ Quý Ly chứng kiến một nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Sau khi tìm hiểu, ông được biết nhóm người này do dùng thức uống nấu từ củ Sâm trên núi Báo nên mới có sức khỏe tốt như vậy. Hồ Quý Ly liền sai ngự y xem xét kỹ lưỡng sau đó thành lập nhóm chuyên đi săn tìm loài Sâm quý đồng thời ban lệnh cấm người dân sử dụng, nhằm thu lượm dược liệu phục vụ cho quan quân tham gia xây dựng thành. Sức khỏe của thợ được đảm bảo một phần nhờ cây sâm quý, thúc đẩy việc xây thành Tây Đô, rút ngắn thời gian xây dựng, chỉ mất 3 tháng để hoàn thành.
Sau này, cây sâm trở thành dược liệu quý dùng chữa bệnh và là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ và được coi là sản vật quốc gia thời vua Lê, chúa Trịnh.
Cổ thư “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có Sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân Sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”… Sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn năm 1886 cũng đã nói về tác dụng của cây Sâm Báo như sau: “Ở núi Đa Bút và Biện Thượng có loại sâm, tục gọi là Sâm Báo, chất nhỏ mà trắng, vị đắng, tính mát, có thể giải nhiệt”.
Về sau, nhiều nghiên cứu cho thấy Sâm Báo có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, giúp ăn ngon ngủ tốt, chữa suy nhược thần kinh. Có thể thấy Sâm Báo là một nguồn dược liệu truyền thống, đã được sử dụng cho con người từ xa xưa.

Thành phần Sâm Báo
Sâm Báo có tên khoa học là Abelmoschus Sagittifolius, thuộc họ Malvaceae. Các nghiên cứu dược lí cho thấy Sâm có tác dụng hoạt tính sinh học đa dạng như: chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, chống viêm,... Sở dĩ Sâm Báo có công dụng đa dạng như vậy là nhờ các thành phần quan trọng có trong phần rễ củ. Rễ sâm báo có chứa hợp chất coumarin, flavonoid, chất nhầy - một thành phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng, tái tạo tế bào biểu mô ruột (26,7%), đường khử, acid amin, Ginsenosides, 17 loại acid amin (Arg, Glu, Thr, Asp, Lys, Phe, Leu, Ala, His, Gly, Tyr, Leu, lle, Pro, Val, Met, Cys), vitamin B1, B2, B12, tinh dầu và các khoáng chất như mangan, đồng, vanadi, coban, photpho, nhôm, kẽm.
Ginsenosides là hoạt chất có hàm lượng cao nhất trong củ Sâm Báo. Cho đến nay, đã có 52 loại Ginsenosides đã được báo cáo là tìm thấy trong sâm Việt Nam, trong đó có 1 số loại Ginsenosides chính bao gồm: Rb1, Rb2, Rc, Rd, Re, và Rg1. Đặc biệt, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh Ginsenosides là thành phần chính quyết định đến hầu hết các hoạt động sinh học của Sâm. Sự đa dạng về hiệu quả của Sâm có liên quan đến sự biến đổi cấu trúc của Ginsenosides. Ginsenosides trong sâm dược chia thành 4 nhóm chính dựa vào sự khác nhau về cấu trúc khung xương của mạch Carbon: Protopanaxatrial, Protopanaxadiol, Oleanolic acid, Ocotillol.

(Nguồn: Pubmed)
Trong rễ Sâm Báo có tới 11 loại acid amin như Alanine, Arginine, Histidine, Leucine, Phenylalanine, Proline, Threonine, Tyrosine, Valine,...

Cấu trúc acid amin 3D
Rất nhiều loại khoáng chất quan trọng khác như sắt, Magie, Canxi, kẽm, Natri, Phospho, ...đã được tìm thấy trong sâm Báo.
Nhận thấy những thành phần quan trọng trong Sâm Báo, TVOne chúng tôi đã ứng dụng đưa sâm Báo vào sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi với mục tiêu tăng cường hệ miễn dịch, gia tăng năng suất. Chúng tôi kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào bằng cách quy hoạch các vùng trồng sâm Báo, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn riêng để thu được hàm lượng cao nhất các hoạt chất có trong sâm Báo. Căn cứ vào điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và đặc điểm của cây sâm Báo, hiện nay, chúng tôi đã có các vùng trồng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Thuận, Gia Lai,... Việc liên kết các vùng trồng là một cách giúp bà con nông dân gia tăng thu nhập của mình từ các vùng đất hoang hóa đồng thời hứa hẹn nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào và ổn định cho hoạt động sản xuất của TVOne Việt Nam.