Người dân châu Á đã tiêu thụ đậu nành trong nhiều thế kỷ. Gần đây, những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe đã đặc biệt chú ý tới đậu nành vì nó được coi là nguồn protein chất lượng cao, ít chất béo bão hòa và hiệu quả tốt hơn các nguồn protein động vật. Sự gia tăng đáng kể trong tiêu thụ thực phẩm đậu nành xảy ra trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, chủ yếu là do hàm lượng chất dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của đậu nành. Mặt khác, sự quan tâm về đậu nành ngày càng tăng vì nó cũng chứa lượng lớn các chất có hoạt tính sinh học có lợi, thường được gọi là chiết xuất thực vật.
Có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe của việc ăn đậu nành, chủ yếu là do sự hiện diện của isoflavone trong đậu nành. Isoflavone đậu nành có vai trò trong việc phòng ngừa và điều trị một số bệnh như chống ung thư, chống loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và chống lão hóa, cải thiện kỹ năng học tập và trí nhớ của phụ nữ mãn kinh, phòng ngừa và điều trị bệnh tim và tiểu đường . Vì vậy, người ta đã kết luận rằng chức năng của isoflavone đậu nành trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh khác nhau chủ yếu là do đặc tính chống oxy hóa và phytoestrogen của chúng.
Tác dụng của isoflavones
Isoflavone đậu nành được biết là có hoạt động tương tự estrogen hoặc các hoạt động như hormone do có sự tương đồng về cấu trúc với 17-β-estradiol - một loại estrogen nội sinh. Do đó, isoflavone đậu nành có thể ưu tiên liên kết và chuyển hóa các thụ thể estrogen. Trong trường hợp này, isoflavone có thể liên kết với thụ thể estrogen-β (ER-β) - chứ không phải ER-α để nó có thể bắt chước hoặc ngăn chặn tác dụng của estrogen trong một số mô. Các hoạt động chọn lọc mô của phytoestrogen có thể có tác dụng chống estrogen trong mô sinh sản và giúp giảm nguy cơ ung thư liên quan đến hormone (vú, tử cung và tuyến tiền liệt). Ngược lại, tác dụng của estrogen trong các mô khác có thể giúp duy trì mật độ khoáng của xương và cải thiện lipid máu.
Hơn nữa, isoflavone đậu nành có thể làm thay đổi hoạt động sinh hóa của estrogen và androgen nội sinh bằng cách ức chế sự tổng hợp và hoạt động của một số enzyme liên quan đến chuyển hóa estrogen.
Ăn đậu nành và isoflavone đậu nành có thể bảo vệ chống ung thư vú sau mãn kinh. Isoflavone có thể tăng cường tác dụng gây độc tế bào của adriamycin đối với tế bào ung thư vú ở người. Ngoài ra, isoflavone có thể tăng cường quá trình chết tế bào giống như hoại tử của các tế bào ung thư vú. Do đó, lượng isoflavone cao có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú ở người châu Á, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
Có mối liên quan giữa ung thư tuyến tiền liệt và lượng isoflavone. Lượng isoflavone có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cục bộ và có lợi trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Thực phẩm chứa protein đậu nành là một nguồn phytoestrogen isoflavone phong phú. Chế độ ăn uống thực phẩm chứa đậu nành có liên quan đến tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính thấp hơn, bao gồm cả bệnh tim mạch vành. Isoflavone phytoestrogen có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương ở những đối tượng có nồng độ cao ban đầu nhưng ít ảnh hưởng đến những đối tượng có nồng độ cholesterol huyết thanh bình thường. Những chất này cũng có thể phát huy tác dụng có lợi đối với chức năng nội mô động mạch. Ngoài những tác dụng này, việc bổ sung chế độ ăn uống với isoflavone có nguồn gốc từ đậu nành có thể làm giảm tính nhạy cảm với quá trình oxy hóa của lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Do đó, isoflavone là biện pháp phòng ngừa thứ cấp ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bên cạnh các biện pháp can thiệp thông thường.
Bệnh tiểu đường loại 2 là kết quả của tình trạng kháng insulin mãn tính và mất khối lượng tế bào β tuyến tụy chức năng. Isoflavone có các đặc tính chống bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tác động trực tiếp lên sự tăng sinh tế bào β, tăng tiết insulin được kích thích bằng glucose và bảo vệ chống lại quá trình chết theo chương trình mà không phụ thuộc vào chức năng vận thụ thể estrogen hoặc chất chống oxy hóa. Isoflavone cho thấy khả năng là thuốc chữa đau dây thần kinh ngoại biên do tiểu đường bằng cách đảo ngược quá trình sản xuất quá mức cytokine tiền viêm cùng các gốc oxy hóa và khôi phục hàm lượng yếu tố tăng trưởng thần kinh của dây thần kinh tọa. Isoflavone có thể cải thiện hoạt động của enzyme chống oxy hóa và giảm nồng độ gốc oxy hóa tự do và lipo-peroxide của não và gan. Do đó, isoflavone có thể đảo ngược chứng mất ngủ do tiểu đường, stress oxy hóa và viêm đong thời cải thiện rối loạn chức năng mạch máu, do đó cho thấy khả năng sử dụng điều trị của nó đối với các biến chứng tiểu đường.
Sự suy giảm sản xuất estrogen đi kèm với thời kỳ mãn kinh khiến phụ nữ trung niên có nguy cơ bị loãng xương. Sự mất mật độ khoáng của xương (BMD) bằng phép đo hấp thụ tia X năng lượng kép thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Isoflavones có khả năng bảo vệ chống mất mật độ khoáng trong xương. Tăng lượng tiêu thụ thực phẩm đậu nành, protein đậu nành hoặc isoflavone đậu nành ở phụ nữ sau mãn kinh có thể cải thiện quá trình tái hấp thu và hình thành xương hoặc làm giảm quá trình mất xương. Gãy xương hông có xu hướng thấp hơn ở phụ nữ châu Á, những người thường xuyên ăn thực phẩm đậu nành, cho thấy rằng tiêu thụ thực phẩm đậu nành lâu dài có thể bảo vệ chống mất xương hoặc gãy xương do loãng xương. Bổ sung isoflavone đậu nành có thể có lợi cho phụ nữ sau mãn kinh sớm trước khi mất estrogen cấp tính hoặc phụ nữ sau mãn kinh lớn tuổi bị loãng xương. Hơn nữa, việc bổ sung isoflavone đậu nành làm tăng khả năng giữ canxi ở phụ nữ sau mãn kinh. Những lợi ích của isoflavone đậu nành có thể cho thấy nó như một phương pháp thay thế cho các phương pháp điều trị hiện hành bảo tồn xương ở phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh.
Tác dụng phụ
Mặc dù có lợi ích sức khỏe tiềm năng đáng kể nhưng thực phẩm từ đậu nành và isoflavone từ chúng cũng cho thấy mối lo ngại về độ an toàn, chủ yếu dựa trên các đặc tính giống như estrogen của chúng. Isoflavone được phân loại là phytoestrogen, chất chủ vận/đối kháng estrogen hỗn hợp và chất gây rối loạn nội tiết. Các cơ quan chính phủ và bán chính phủ đã tiến hành đánh giá độ an toàn của isoflavone ở một số nước Châu Âu, Nhật Bản và Israel, và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu hiện đang tiến hành một đánh giá khác. Những lo ngại này hầu như chỉ dựa trên các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật (các nghiên cứu trên người, bao gồm dữ liệu lâm sàng và dịch tễ học, đều ủng hộ tính an toàn). Điều đáng chú ý nhất trong số này là các sản phẩm có chứa isoflavone có nguy cơ đối với bệnh nhân ung thư vú nhạy cảm với estrogen và phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Và việc tiếp xúc với isoflavone thông qua việc tiêu thụ sữa bột làm từ đậu nành có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của trẻ sơ sinh.