Công ty CP TVOne Việt Nam là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi từ tách chiết thực vật với 98% từ nguyên liệu thảo dược trong nước như: Sâm báo, sâm dương, atisô, cây tầm bóp, bồ công anh, cỏ lào… cùng 20 loại tinh dầu được.
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) chia sẻ tại Chương trình Thông cáo Thông tin của Công ty CP TVOne Việt Nam tổ chức chiều 24/5 tại Quảng Ninh. Ảnh: TQ
Sản xuất phụ gia từ tách chiết thực vật với 98% từ nguyên liệu thảo dược
Ông Nguyễn Đức Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP TVOne Việt Nam cho hay: Việt Nam đang được xếp vào nhóm các nước kháng kháng sinh cao nhất thế giới với tỷ lệ 44% năm 2020. Hiện, kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chiếm dưới 30% trong khi đó 75% thuốc kháng sinh dùng trong doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhờn kháng sinh gây nguy hiểm cho người.
Thực tế, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp sử dụng liên tục không theo hướng dẫn. Năm 2020, ngành chăn nuôi nước ta ước tính tiêu thụ gần 1.000 tấn thuốc kháng sinh, năm 2030 con số ước sẽ lên 1.200 tấn kháng sinh.
"Điều đó cho thấy chúng ta lạm dụng quá mức kháng sinh trong chăn nuôi, dấy lên lo ngại tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa… gây ra tác động xấu lên sức khỏe con người. Kháng thuốc kháng sinh và ung thư đang trở thành vấn đề nóng cả thế giới quan tâm và cần có những hành động để thay đổi", ông Phương khẳng định.
Đứng trước thực tế này, TVOne Việt Nam hướng đến khát vọng ngành nông nghiệp không thuốc kháng sinh và hóa chất; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tự chủ về công nghệ nhằm cung ứng những giải pháp tốt nhất về công nghệ cho ngành công nghiệp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam và khu vực.
Ông Phương cho biết thêm, hiện TVOne Việt Nam là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong sản xuất phụ gia từ tách chiết thực vật với 98% từ nguyên liệu thảo dược trong nước như: Sâm báo, sâm dương, atisô, cây tầm bóp, bồ công anh, cỏ lào… cùng 20 loại tinh dầu được TVOne Việt Nam kết hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đầu tư, dày công nghiên cứu.
Công ty TVOne Việt Nam đã quy hoạch vùng trồng và giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này một phần giải quyết các vấn đề bỏ hoang đất trồng của nhiều khu vực, giúp người nông dân có thêm thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm phụ gia được tách chiết thực vật với 98% từ nguyên liệu thảo dược trong nước như: Sâm báo, sâm dương, atisô, cây tầm bóp, bồ công anh, cỏ lào… cùng 20 loại tinh dầu. Ảnh: TQ
Cần thêm các doanh nghiệp đi tiên phong
Trao đổi với các đại biểu tại sự kiện này, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, toàn ngành vẫn có những bước tiến quan trọng, tăng trưởng tương đối cao, chiếm 25,2% GDP trong ngành nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho 10 triệu hộ dân liên quan tới ngành chăn nuôi và cung cấp thực phẩm cho khoảng 100 triệu người.
Tuy nhiên, ngành Chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, áp lực cạnh tranh quốc tế, tăng giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65% giá thành sản phẩm.
Trong năm 2021, cả nước sử dụng gần 33 triệu tấn thức ăn tinh, trong nước cung cấp gần 13 triệu tấn (gần 4%) còn lại chúng ta phải nhập khẩu. Trong nhóm nguyên liệu thức ăn tinh (ngô, mỳ, cám, tấm, sắn..) chiếm 65% (24 triệu tấn), thức ăn đạm (đạm thực vật, động vật) chiếm 27% (8,5 triệu tấn).
Theo ông Thắng, ở Việt Nam, thức ăn công nghiệp chiếm khoảng 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi, 30% người chăn nuôi tận dụng thức ăn sẵn có hoặc phối trộn. Hiện có 225 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung. Loại thức ăn này chiếm tỷ trọng không lớn trong thức ăn công nghiệp nhưng vai trò quan trọng. Nhu cầu thức ăn bổ sung cho chăn nuôi là rất lớn song còn rất thiếu.
Đặc biệt, năm 2022, được dự báo có nhiều bất ổn diễn ra khiến giá thức ăn tăng cao, vì vậy, nghiên cứu sản phẩm mới, công thức mới, tăng giá trị nâng sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, là định hướng hiện tại và tương lai cho chăn nuôi Việt Nam để đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm kháng sinh trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững, hội nhập quốc tế…
"Với nhiều thuận lợi phát triển các loại dược liệu, việc nghiên cứu các sản phẩm dược liệu sử dụng trong chăn nuôi không chỉ hạn chế sử dụng kháng sinh mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi lợi thế nước ta, vừa tạo sinh kế cho người nông dân, giúp ngành chăn nuôi nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững", ông Thắng nói.
Theo đó, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP TVOne Việt Nam trong việc sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thảo dược.
"Đây thực sự là bước đột phá của ngành Chăn nuôi của Việt Nam, vì vậy cá nhân tôi và ngành đang rất quan tâm đến giải pháp này. Sắp tới, ngành công nghệp thức ăn chăn nuôi sẽ có hướng đi mới để thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là kháng sinh kích thích tăng trưởng, kháng sinh phòng bệnh", đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, theo lộ trình đến 31/12/2025 sẽ chấm dứt việc sử dụng kháng sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, chính vì thế ngành Chăn nuôi rất cần những doanh nhân, doanh nghiệp đi tiên phong trong việc sản xuất và sử dụng phụ gia thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thảo dược trong chăn nuôi.
Giáo sư In Ho Kim đã chia sẻ cùng chương trình những nghiên cứu cùng các sinh viên đến từ đại học Dankook Hàn Quốc, những phân tích tác dụng của sâm báo trong sản xuất phụ gia thức ăn cho chăn nuôi – và đã cho kết quả tương đối khả quan trong việc tăng trưởng cho gia súc gia cầm, và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo giáo sư In Ho Kim, trong các nghiên cứu cho thấy khi việc sử dụng sâm báo như là phụ gia thức ăn chăn nuôi bổ sung giúp gà đẻ tăng sản lượng trứng và tăng trọng trong gà thịt, lợn thịt. Đặc biệt, việc sử dụng sâm còn giúp giảm khí thải và mùi hôi trong trang trại chăn nuôi.
Giáo sư In Ho Kim khuyến cáo nếu nông dân có thể sử dụng loại phụ gia thức ăn chăn nuôi có thành phần thảo dược này để chăn nuôi sẽ có tác động tích cực tối ưu hóa sức khỏe đường ruột của vật nuôi và cải thiện được năng suất của heo, gà... sẽ rất tốt và hiệu quả.